Cẩm nang học tập tích cực cho sinh viên Y khoa (2)

Phần 2: Học "bất bình đẳng"

Các nội dung trong một bài vốn dĩ không bình đẳng nhau, có phần chính, phần phụ. Trong mỗi bài lại có ý chính, ý phụ.

Ta có thể coi mỗi bài như một vùng địa hình mấp mô, khi coi độ cao của mỗi phần, mỗi ý tỷ lệ thuận với mức độ quan trọng của mỗi phần, mỗi ý đó. Em cần "phiên dịch" bài học thành một "bản đồ địa hình" trước khi cố gắng nhớ nó. Khi đã "phiên dịch" được rồi, điểm nào càng cao càng được ưu tiên. Em hãy hình dung nếu tháo nước vào những vùng địa hình đó, chỗ nào càng ngập nước muộn càng phải hiểu kỹ, nhớ lâu.

Ôn tập xong một bài em không nên chỉ xem mình đã nhớ được bao nhiêu. Quan trọng hơn em cần xem mình đã học đến mức làm "bất bình đẳng" được các nội dung của bài chưa. Em có thể tự kiểm tra bằng cách xem xét khả năng "co" bài của mình. Thí dụ bài có độ dài 4 trang em hãy thử thu lại thành 2 trang, thành 1 trang, thậm chí chỉ còn nửa trang, sao cho phần lược đi không có những ý quan trọng hơn bất kỳ ý nào trong bản thu ngắn.

Nếu bản thu ngắn còn mắc các lỗi dưới đây là em chưa thật sự thành công trong việc học cho "bất bình đẳng":

  • Em cảm thấy rất khó khăn trong việc thu ngắn và chỉ có thể thu ngắn được một mức thu (thí dụ 4 trang thành 2 trang).
  • Trong bản thu ngắn em vẫn dùng các câu của sách - em mới chỉ rút ngắn bằng cách cắt bớt câu chứ chưa biến đổi được câu!
  • Tất cả các phần của bài đều được co ngắn theo một tỷ lệ như nhau.
  • Bản thu ngắn của em chỉ là một bản viết tên các đề mục và các tiểu đề mục.

Trong quá trình soạn bản thu ngắn em cứ việc mở sách vở đàng hoàng, nghĩa là việc này được tiến hành ngay từ khi em chưa thuộc bài! Sau khi em đã viết được những bản thu ngắn có chất lượng tốt, với một số mức dài ngắn khác nhau thì em không chỉ hiểu bài một cách sâu sắc mà cũng sẽ thuộc bài. Thi xong em sẽ quên rất nhiều, nhưng học bất bình đẳng thì sẽ quên cũng bất bình đẳng, em sẽ ít bị quên những điều đáng nhớ và sẽ ít phải nhớ cả những điều đáng quên.

Người học xoàng, học vẹt sau khi đã ôn đi ôn lại, nhớ hết mọi chi tiết, mà nhìn bài vẫn "phẳng" như trang giấy! Người học tốt càng ôn tập kỹ càng thấy bài "gồ ghề".

Học bất bình đẳng em sẽ không quên những điều cần nhớ và không nhớ những điều đáng quên - Học phải biết quên!