[Bài dịch] - Điều dưỡng: Nghề cao quý trong các nghề cao quý

Người ta luôn ví nghề Điều dưỡng là “nghề làm dâu trăm họ”, bởi đối tượng mà Điều dưỡng tiếp xúc chính là người bệnh và người nhà của họ...

Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in cái ngày cô giáo chủ nhiệm lớp 10 của tôi ra đề kiểm tra: “Viết về ngành nghề mình sẽ chọn trong tương lai”. Lúc đó, tôi đã viết: “Tương lai em sẽ trở thành bác sĩ” với những lí do thật ngộ nghĩnh của cái tuổi học trò. Và cũng từ đó nó trở thành động lực to lớn khiến tôi cố gắng học tập để có thể thi đậu vào trường Y.

Ngày đi thi đại học, tôi thấy tự tin vào bản thân và kiến thức của mình, có thể vì quá tự tin nên khi biết điểm, tôi không thể tin nổi là mình đã trượt. Không hiểu sao tôi lại không thể khóc, tôi nằm một chỗ suốt mấy ngày, không dám ra đường vì sợ ánh mắt thương hại của mọi người và hơn hết là tôi sợ những câu hỏi của họ. Khi ấy, bao nhiêu ký ức lại ùa về trong tôi.

Thất vọng về bản thân, tôi như muốn buông xuôi tất cả nhưng cũng thật may mắn khi ba mẹ là người đã động viên và bên cạnh tôi trong thời gian này và may mắn hơn khi tôi trúng tuyển vào ngành Điều dưỡng đa khoa. Một chân trời mới dần được mở ra và đang đón chờ tôi khám phá.

Nhập học rồi tôi mới thấy có rất nhiều khó khăn trong môi trường mới, tôi luôn cảm thấy mặc cảm và tự ti khi mình học điều dưỡng. Nỗi buồn chán luôn đeo bám bên tôi bởi vì ước mơ làm bác sĩ không thành hiện thực. Tôi không hiểu cũng như không cảm nhận được ngành Điều dưỡng là gì? Làm gì ở bệnh viện? Tôi cảm thấy thất vọng vô cùng khi có người cười ngành tôi học, và tôi rất ngại khi có ai hỏi tôi học gi. Không biết bao nhiêu lần, tôi muốn từ bỏ hết tất cả nhưng những lúc như thế tôi lại nhớ có người đã từng khuyên với tôi rằng: “ Khi bạn định bỏ cuộc thì hãy nhớ lại lý do vì sao bạn bắt đầu ”

Nhưng đến khi đi thực tập ở bệnh viện, mọi suy nghĩ trong tôi đã khác. Tôi thấy vui khi giúp được những người bệnh mặc dù những việc thật nhỏ nhoi, rồi chợt thấy khóe mắt mình cay cay khi nhìn người bệnh đau đớn. Tôi thương những bác bệnh nhân trạc tuổi bố mẹ tôi, họ rất lam lũ và khổ cực. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi bệnh nhân chính tôi chăm sóc tay bắt mặt mừng với tôi khi họ ra viện. Tôi cảm thấy vui khi đi bệnh viện. Nhiều lúc tôi buồn bực chuyện gì đó trong cuộc sống, nhưng chỉ cần đến bệnh viện gặp bệnh nhân thì tự nhiên mọi buồn phiền đều tan biến hết, tôi quên đi mệt mỏi, trò chuyện và tươi cười với bệnh nhân.Thời gian cứ thế trôi qua và giờ tôi đã là một Điều Dưỡng viên với nhiều năm công tác.

Giờ đây, tôi cảm nhận được ý nghĩa công việc của những người Điều dưỡng, đó là một công việc thật cao cả. Tôi thấy yêu ngành mình đã chọn và tin rằng quyết định của mình là sáng suốt. Mặc dù tôi không trở thành một bác sĩ nhưng tôi vẫn tự hào khi khoác trên mình chiếc áo blouse trắng. Và nếu có ai hỏi tôi làm gì, tôi sẽ ngẩng cao đầu đáp rằng: cháu là một Điều dưỡng viên ạ.

Người ta luôn ví nghề Điều dưỡng là “nghề làm dâu trăm họ”, bởi đối tượng mà Điều dưỡng tiếp xúc chính là người bệnh và người nhà của họ. Mà người bệnh thì không ai giống ai, từ bệnh tình cho đến suy nghĩ, thái độ, cách cư xử và để gần gũi, hiểu được điều người bệnh muốn, không phải là chuyện dễ. Làm nghề Điều dưỡng ngoài tình yêu nghề, có lương tâm nghề nghiệp, còn phải biết nhẫn nại, lắng nghe và thấu hiểu bệnh nhân. Nếu không có một tình yêu nghề, yêu người thực sự, họ đã không chọn nghề này… Chặng đường phía trước còn rất dài và gian nan, nhưng tôi sẽ không bao giờ chùn bước. Từ lúc chọn ngành này tôi nguyện với lòng mình,  phải luôn giữ được chữ TÂM, không được vì bất cứ lý do gì mà đánh mất nó. Vì thế, tôi luôn dặn lòng mình phải phấn đấu để những ước mơ trở thành hiện thực, trở thành một Điều dưỡng tận tâm trong công việc, đối đãi với người bệnh chân tình, cởi mở để chia sẻ với nỗi đau của người bệnh, giúp đỡ, động viên người bệnh yên tâm điều trị sớm phục hồi sức khỏe./.

“LƯƠNG Y NHƯ TỪ MẪU”