UNG THƯ PHỔI
TS.BS. VÕ ĐẮC TRUYỀN
TIẾN SĨ Y HỌC – BÁC SĨ CAO CẤP
TRƯỞNG KHOA Y - ĐẠI HỌC ĐÔNG Á ĐÀ NẴNG
1. Tổng quan
Ung thư phổi là một loại ung thư bắt đầu ở phổi. Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư trên toàn thế giới.
Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao nhất, mặc dù ung thư phổi cũng có thể xảy ra ở những người chưa bao giờ hút thuốc. Nguy cơ ung thư phổi tăng theo thời gian và số lượng thuốc lá bạn hút. Nếu bạn bỏ hút thuốc, thậm chí sau khi hút thuốc trong nhiều năm, bạn có thể giảm đáng kể nguy cơ phát triển ung thư phổi.


Hình ảnh ung thư phổi
2. Triệu chứng
Hơn 160.000 trường hợp mới của ung thư phổi đã được chẩn đoán ở Mỹ mỗi năm. Ở giai đoạn sớm, ung thư phổi thường không gây ra dấu hiệu và triệu chứng. Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư phổi thường xảy ra khi bệnh tiến triển.
95% bệnh nhân bị ung thư phổi có triệu chứng vào thời điểm chẩn đoán. Trong đó, 27% có triệu chứng thứ phát do u nguyên phát, 32% có triệu chứng thứ phát do sự phát triển của di căn và 34% có những triệu chứng không đặc hiệu như sự mệt mỏi, sút cân, biếng ăn. Một tỉ lệ cao bệnh nhân đã có bằng chứng lâm sàng về sự lan rộng toàn thân. Tối đa 5% không có triệu chứng nhưng có bất thường trên phim ngực thường quy và còn một ít ung thư biểu mô ở dạng tiềm ẩn với phim X-quang ngực bình thường.
Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư phổi có thể bao gồm: Ho dai dẳng, ho ra máu, dù chỉ một lượng nhỏ, hụt hơi, đau ngực, khàn tiếng, sụt cân, đau lưng, đau đầu…
3. Nguyên nhân
Hút thuốc gây ra phần lớn bệnh ung thư phổi - cả ở người hút thuốc và những người tiếp xúc với khói thuốc lá. Nhưng ung thư phổi cũng xảy ra ở những người chưa bao giờ hút thuốc và ở những người chưa bao giờ tiếp xúc lâu dài với khói thuốc thụ động. Trong những trường hợp này, có thể không có nguyên nhân rõ ràng gây ung thư phổi.
Hút thuốc lá gây ung thư phổi
Các bác sĩ tin rằng hút thuốc gây ung thư phổi bằng cách làm tổn thương các tế bào lót phổi. Khi bạn hít phải khói thuốc lá chứa đầy chất gây ung thư, những thay đổi trong mô phổi gần như bắt đầu ngay lập tức.
Lúc đầu, cơ thể bạn có thể sửa chữa được tổn thương này. Nhưng khi tiếp xúc nhiều lần, các tế bào bình thường trong phổi của bạn ngày càng bị tổn thương. Theo thời gian, tổn thương này khiến các tế bào hoạt động bất thường và cuối cùng là ung thư có thể phát triển.
Phân loại ung thư phổi
Ung thư phổi được chia thành hai loại chính dựa trên hình dạng của tế bào ung thư phổi dưới kính hiển vi. Bác sĩ đưa ra quyết định điều trị dựa trên loại ung thư phổi mà bạn mắc phải.
Hai loại ung thư phổi phổ biến bao gồm:
- Ung thư phổi tế bào nhỏ. Ung thư phổi tế bào nhỏ hầu như chỉ xảy ra ở những người nghiện thuốc lá nặng và ít phổ biến hơn ung thư phổi không phải tế bào nhỏ.
- Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ. Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ là thuật ngữ chung cho một số loại ung thư phổi. Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ bao gồm ung thư biểu mô tế bào vảy, ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô tế bào lớn.
4. Các yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi bao gồm:
- Hút thuốc: Nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi tăng lên theo số lượng thuốc lá bạn hút mỗi ngày và số năm bạn hút thuốc. Bỏ thuốc ở mọi lứa tuổi có thể làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển ung thư phổi.
- Tiếp xúc với khói thuốc thụ động: Ngay cả khi bạn không hút thuốc, nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi vẫn tăng nếu bạn tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
- Xạ trị trước đó: Nếu bạn đã trải qua xạ trị vào ngực để điều trị một loại ung thư khác, bạn có thể tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi.
- Tiếp xúc với khí radon: Radon được tạo ra bởi sự phân hủy tự nhiên của uranium trong đất, đá và nước và cuối cùng trở thành một phần của không khí bạn hít thở. Mức radon không an toàn có thể tích tụ ở bất kỳ chỗ nào.
- Tiếp xúc với amiăng và các chất gây ung thư khác: Việc tiếp xúc với amiăng và các chất khác có thể gây ung thư tại nơi làm việc - chẳng hạn như asen, crom và niken - có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi, đặc biệt nếu bạn là người hút thuốc.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư phổi: Những người có cha mẹ, anh chị em hoặc con mắc bệnh ung thư phổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
5. Biến chứng
Ung thư phổi có thể gây ra các biến chứng như:
- Khó thở: Những người bị ung thư phổi có thể bị khó thở nếu ung thư phát triển và thu hẹp đường hô hấp chính.
- Ho ra máu: Ung thư phổi có thể gây chảy máu đường thở, khiến bạn ho ra máu. Đôi khi chảy máu có thể trở nên nghiêm trọng.
- Đau ngực: Ung thư phổi tiến triển lan đến thành ngực có thể gây đau.
- Tràn dịch trong khoang màng phổi: Ung thư phổi lan đến thành ngực có thể gây tràn dịch khoang màng phổi. Khi tràn dịch lượng nhiều, bạn có thể bị khó thở và cần phải mổ dẫn lưu để lấy dịch ra ngoài và ngăn ngừa không cho tràn dịch trở lại.
- Ung thư lan sang các bộ phận khác của cơ thể gọi là di căn: Ung thư phổi thường lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như não và xương. Ung thư lây lan có thể gây đau, buồn nôn, nhức đầu hoặc các dấu hiệu và triệu chứng khác tùy thuộc vào cơ quan bị ảnh hưởng.
Khi ung thư phổi đã lan ra ngoài phổi thì thường không thể chữa khỏi được. Các phương pháp điều trị chăm sóc giảm nhẹ hiện có để giảm các dấu hiệu và triệu chứng và giúp bạn sống lâu hơn.
6. Phòng ngừa:
Không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa ung thư phổi, nhưng bạn có thể giảm nguy cơ nếu:
- Đừng hút thuốc: Nếu bạn chưa bao giờ hút thuốc, đừng bắt đầu hút.
- Bỏ thuốc lá: Hãy ngừng hút thuốc ngay bây giờ. Bỏ thuốc làm giảm nguy cơ ung thư phổi, ngay cả khi bạn đã hút thuốc trong nhiều năm.
- Tránh hút thuốc thụ động: Nếu bạn sống hoặc làm việc với người hút thuốc, hãy khuyên họ bỏ thuốc. Ít nhất, hãy yêu cầu mọi người hút thuốc bên ngoài. Tránh những khu vực có nhiều người hút thuốc, chẳng hạn như quán bar và nhà hàng.
- Kiểm tra nhà của bạn để tìm radon: Kiểm tra mức radon trong nhà, đặc biệt nếu bạn sống ở khu vực được biết là có vấn đề về radon. Mức radon cao có thể được khắc phục để giúp ngôi nhà của bạn an toàn hơn.
- Tránh chất gây ung thư tại nơi làm việc: Thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân khỏi tiếp xúc với hóa chất độc hại tại nơi làm việc. Luôn mang khẩu trang.
- Ăn một chế độ ăn uống đầy đủ trái cây và rau quả: Chọn một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều loại trái cây và rau quả. Nguồn thực phẩm cung cấp vitamin và chất dinh dưỡng là tốt nhất.
- Tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần: Nếu bạn không tập thể dục thường xuyên, hãy bắt đầu từ từ. Cố gắng tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần.
Xét nghiệm ung thư phổi cho người khỏe mạnh
Những người có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn có thể cân nhắc sàng lọc ung thư phổi hàng năm bằng cách chụp CT liều thấp. Sàng lọc ung thư phổi thường được cung cấp cho người lớn tuổi đã hút thuốc nhiều trong nhiều năm hoặc đã bỏ thuốc trong 15 năm qua.
Các xét nghiệm chẩn đoán ung thư phổi: Các xét nghiệm có thể bao gồm:
- Kiểm tra hình ảnh: Hình ảnh X-quang phổi của bạn có thể cho thấy một khối hoặc nốt bất thường. Chụp CT có thể thấy những tổn thương nhỏ trong phổi mà X-quang có thể không phát hiện được.
- Tế bào học đờm: Nếu bạn bị ho và có đờm, việc quan sát đờm dưới kính hiển vi đôi khi có thể cho thấy sự hiện diện của các tế bào ung thư phổi.
- Mẩu mô (sinh thiết):
Nội soi phế quản: Bác sĩ sử dụng một ống nhỏ có gắn camera đi xuống cổ họng và vào phổi của bạn để quan sát cây phế quản và nếu cần có thể sinh thiết mẩu mô để xét nghiệm.
Nội soi trung thất: Bác sĩ sẽ rạch một vết mổ nhỏ ngay hõm ức và các dụng cụ phẫu thuật được đưa vào phía sau xương ức để lấy mẩu mô từ các hạch bạch huyết. Nội soi trung thất là một lựa chọn để đánh giá giai đoạn ung thư phổi.
Sinh thiết lõi dưới hướng dẫn của CT: Một lựa chọn khác là sinh thiết bằng kim, trong đó bác sĩ sử dụng hình ảnh CT để dẫn kim xuyên qua thành ngực và vào mô phổi nghi ngờ để lấy mẩu xét nghiệm.
Mẩu sinh thiết cũng có thể được lấy từ các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác mà ung thư đã di căn.
Các xét nghiệm để xác định mức độ ung thư
Khi ung thư phổi của bạn đã được chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ phải xác định bạn đang giai đoạn nào. Giai đoạn ung thư của bạn sẽ giúp bạn và bác sĩ quyết định phương pháp điều trị nào là phù hợp nhất.
Các xét nghiệm xác định giai đoạn có thể bao gồm hình ảnh học cho phép bác sĩ tìm kiếm bằng chứng ung thư đã lan ra ngoài phổi của bạn. Những xét nghiệm này bao gồm CT, MRI, chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) và xạ hình xương. Không phải mọi xét nghiệm đều phù hợp với mọi người, bác sĩ sẽ trao đổi với bạn và đề xuất các xét nghiệm nào phù hợp với bạn.
Bệnh ung thư phổi có 4 giai đoạn từ 0-4, với các giai đoạn thấp nhất biểu thị bệnh ung thư chỉ giới hạn ở phổi. Đến giai đoạn IV, ung thư được coi là tiến triển và đã lan sang các khu vực khác của cơ thể.
7. Điều trị:
Bạn và bác sĩ sẽ chọn kế hoạch điều trị ung thư dựa trên một số yếu tố, chẳng hạn như sức khỏe tổng thể của bạn, loại ung thư và giai đoạn ung thư cũng như sở thích của bạn.
Trong một số trường hợp, bạn có thể chọn không điều trị. Ví dụ, bạn có thể cảm thấy rằng tác dụng phụ của việc điều trị sẽ lớn hơn những lợi ích mà việc điều trị mang lại. Trong trường hợp đó, bác sĩ có thể đề nghị chăm sóc giảm nhẹ để chỉ điều trị các triệu chứng mà bệnh ung thư gây ra, chẳng hạn như đau hoặc khó thở…
Điều trị phẫu thuật
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật của bạn sẽ loại bỏ ung thư phổi và một phần phổi khỏe mạnh. Các phương pháp phẫu thuật phổi bao gồm:
- Cắt phổi không điển hình: để loại bỏ một phần nhỏ của phổi có chứa khối u cùng với một phần mô phổi khỏe mạnh.
- Cắt bỏ một phân thùy phổi: để loại bỏ u phổi.
- Cắt thùy phổi: để loại bỏ toàn bộ một thùy phổi.
- Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ phổi: để loại bỏ toàn bộ phổi.
Nếu bạn trải qua phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật cũng có thể loại bỏ các hạch bạch huyết khỏi ngực của bạn để kiểm tra xem chúng có dấu hiệu ung thư hay không.

Phẫu thuật có thể là một lựa chọn nếu ung thư của bạn chỉ giới hạn ở phổi. Nếu bạn bị ung thư phổi ở giai đoạn trễ hơn, bác sĩ có thể đề nghị hóa trị hoặc xạ trị trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u. Nếu có nguy cơ tế bào ung thư bị bỏ lại sau phẫu thuật hoặc ung thư của bạn có thể tái phát, bác sĩ có thể đề nghị hóa trị hoặc xạ trị sau phẫu thuật.
Xạ trị
Xạ trị sử dụng chùm năng lượng cao từ các nguồn như tia X và proton để tiêu diệt tế bào ung thư. Trong quá trình xạ trị, bạn nằm trên bàn trong khi máy di chuyển xung quanh bạn, hướng bức xạ đến các điểm chính xác trên cơ thể bạn.
Đối với những người bị ung thư phổi tiến triển cục bộ, bức xạ có thể được sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật. Nó thường được kết hợp với phương pháp điều trị hóa trị. Nếu phẫu thuật không phải là một lựa chọn, hóa trị và xạ trị kết hợp có thể là phương pháp điều trị chính của bạn.
Đối với những bệnh ung thư phổi tiến triển và những bệnh đã lan sang các vùng khác của cơ thể, xạ trị có thể giúp giảm các triệu chứng, chẳng hạn như đau đớn.
Hóa trị
Hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Một hoặc nhiều loại thuốc hóa trị có thể được truyền qua tĩnh mạch ở cánh tay của bạn hoặc dùng đường uống. Sự kết hợp của các loại thuốc thường được thực hiện trong một loạt các đợt điều trị trong khoảng thời gian vài tuần hoặc vài tháng, có thời gian nghỉ giữa các đợt để bạn có thể hồi phục.
Hóa trị thường được sử dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại. Nó có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp với xạ trị. Hóa trị cũng có thể được sử dụng trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u và giúp loại bỏ chúng dễ dàng hơn.
Ở những người bị ung thư phổi tiến triển, hóa trị có thể được sử dụng để giảm đau và các triệu chứng khác.
Ngoài hóa trị thường quy, còn có hóa trị đích và liệu pháp miễn dịch.
Chăm sóc giảm nhẹ
Những người mắc bệnh ung thư phổi thường gặp các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ung thư cũng như các tác dụng phụ của việc điều trị. Chăm sóc giảm nhẹ là một lĩnh vực y học chuyên biệt liên quan để giảm thiểu các dấu hiệu và triệu chứng của bạn, kéo dài thời gian sống chất lượng.