Tổng quan tình hình bệnh ung thư trên thế giới và Việt Nam

Tổng quan tình hình bệnh ung thư trên thế giới và Việt Nam

TS. BS Lê Thị Huỳnh Trang

Theo GLOBOCAN trên thế giới có khoảng 19.3 triệu ca ung thư mới và gần 10.0 triệu ca tử vong vào năm 2020. Tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do ung thư ngày càng tăng nhanh trên thế giới, điều này phản ánh cả sự già hóa và tăng trưởng của dân số cũng như những thay đổi về tỷ lệ hiện mắc và sự phân bố của các yếu tố nguy cơ chính gây ung thư, một số yếu tố trong số đó có liên quan đến sự phát triển kinh tế xã hội.

Về xu hướng tương lai của ung thư, theo Globocan thì đến năm 2040 trên thế giới ước tính sẽ có khoảng 28.4 triệu ca ung thư mới, tăng 47% so với 19.3 triệu ca năm 2020. Mức độ gia tăng tương đối đáng chú ý nhất ở các nước có chỉ số phát triển con người (Human devolopment HDI) thấp (95%) và ở các nước có HDI trung bình (64%).

Tại Việt Nam nước có HDI mức trung bình, vào năm 2020 được báo cáo là có khoảng 182 nghìn ca ung thư mới, xếp thứ 91/185 và khoảng 122 nghìn ca, xếp thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Thứ hạng này tương ứng của năm 2018 là 99/185 và 56/185. Như vậy, có thể thấy là tình hình mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng nhanh. Tình hình này cũng tương tự với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do ung thư tại các quốc gia này lại giảm, còn tỷ lệ tử vong do ung thư ở nước ta tiếp tục tăng và chiếm tỷ lệ cao (67%) so với các ca được chẩn đoán.

Bảng 1. Bảng phân bố tỷ lệ mới mắc và tử vong do ung thư vào năm 2020 tại Việt Nam. Nguồn GLOBOCAN 2020.

 

Tại Đà Nẵng, theo báo cáo của Bệnh viện Ung Bướu, có 8580 ca bệnh ung thư từ năm 2013 – 2016; trong đó ung thư phổi chiếm tỷ lệ cao nhất, sau đó là ung thư vú và ung thư gan – mật. Các ca bệnh ung thư ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hoá. Trong số 8.580 bệnh nhân ung thư đang được điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn Đà Nẵng từ năm 2013 đến nay, phần lớn đều ở nhóm tuổi dần trẻ hóa từ 41-60 (chiếm 46,9%), từ 61-80 (36,9%). Bệnh nhân ung thư từ 21-40 tuổi chiếm 8,1%; dưới 20 tuổi chiếm 0,5%. Và điển hình có bệnh nhân mắc ung thư gan và mật được phát hiện ở 12 tuổi.

Ung thư đang trở thành thảm họa sức khỏe thầm lặng và là gánh nặng của nền kinh tế. Tại nước ta, số liệu từ điều tra toàn quốc về gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam cho thấy, ung thư là một trong 10 nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật hàng đầu. Tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư (ung thư vú, cổ tử cung, gan, đại trực tràng, dạ dày, khoang miệng) ước tính chiếm 0,22% tổng GDP của Việt Nam trong năm 2012. Hiện nay, các bệnh nhân ung thư tại Việt Nam hầu hết được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, điều này khiến cho việc điều trị khó khăn và chi phí điều trị tăng cao. Kết quả nghiên cứu ACTION: “Chi phí điều trị ung thư tại Việt Nam” của GS.TS. Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, theo đánh giá ảnh hưởng của bệnh ung thư lên

 

tình hình kinh tế và tài chính trong 12 tháng của hộ gia đình bệnh nhân ung thư tại Việt Nam, có 24% bệnh nhân tử vong, 31% bệnh nhân còn sống nhưng gặp khó khăn về kinh tế, tài chính; 45% bệnh nhân còn sống không có khó khăn về tài chính, kinh tế. Nghiên cứu cũng ghi nhận không ít các trường hợp chi phí chữa bệnh đẩy lên tới nhiều tỷ đồng trong quá trình điều trị ung thư của bệnh nhân.

Thống kê các loại chi phí liên quan đến điều trị ung thư bao gồm:

  • Chi phí khám bệnh
  • Các xét nghiệm chẩn đoán: Chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm máu, dấu ấn sinh học ung thư, gene, giải phẫu bệnh, …
  • Liệu pháp điều trị: phẫu thuật (và các dụng cụ liên quan phẫu thuật), hóa trị (thuốc hóa trị + thuốc kiểm soát tác dụng phụ), xạ trị (và các thuốc điều trị tác dụng phụ).
  • Chi phí chăm sóc
  • Phí ăn uống, di chuyển và giường nằm tại bệnh viện khi bệnh nhân điều trị nội trú.
  • Chi phí cho thân nhân chăm sóc.

Có thể nói, ước tính tổng chi phí điều trị ung thư mỗi năm một người bệnh phải chi trả là khoảng 176 triệu đồng (theo điều tra từ công ty bảo hiểm Prudential). Con số này không chỉ dừng lại ở đó mà còn có thể tăng cao hơn, do việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Do đó, làm sao để giảm các chi phí liên quan đến điều trị ung thư vẫn đang là một câu hỏi lớn cho ngành y tế và người dân Việt Nam.

Tại Đà Nẵng, là một tỉnh miền Trung, người bệnh ung thư có xu hướng tìm đến các bệnh viện lớn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; hoặc người bệnh và thân nhân sẽ đi rất nhiều nơi, đến rất nhiều cơ sở y tế trước khi tới bệnh viện, … Tất cả những điều này khiến có việc bệnh ung thư trở nên được chậm trễ trong điều trị hoặc tốn kém. Do đó, việc được chẩn đoán, tư vấn và quản lý bệnh nhân ung thư phải được quan tâm một cách đúng đắn.

Từ khóa