Phòng ngừa ung thư

PHÒNG NGỪA UNG THƯ

TS. BS. Lê Thị Huỳnh Trang

Theo Viện ung thư Quốc gia (National Cancer institute) Mỹ, định nghĩa về phòng ngừa ung thư là hành động được thực hiện để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Điều này có thể bao gồm việc duy trì lối sống lành mạnh, tránh tiếp xúc với các chất gây ung thư đã biết, dùng thuốc hoặc

vaccin để ngăn ngừa hình thành ung thư.

Ung thư không phải do một chất/ cơ chế đơn lẻ gây ra bệnh, mà là một tập hợp các chuỗi sự kiện có liên quan đến nhau. Do đó, để phòng ngừa ung thư hiệu quả, chúng ta cần phải:

  1. Tránh/ giảm các yếu tố nguy cơ ung thư
  2. Tăng các yếu tố bảo vệ
  3. Phát hiện sớm tình trạng tiền ung thư
  4. Điều trị phòng ngừa hoặc theo dõi

1.Các yếu tố nguy cơ của ung thư (risk factors)

Đây là các yếu tố nguy cơ biết đến là có liên quan hoặc nghi ngờ gây ung thư được nghiên cứu nhiều nhất, bao gồm:

  • Tuổi: tỷ lệ mắc bệnh ung thư nói chung tăng đều đặn theo độ tuổi.
  • Rượu bia: làm tăng nguy cơ một số bệnh ung thư như: ung thư miệng, vòm họng, thực quản, gan, …
  • Thuốc lá: sử dụng thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư và tử vong do ung thư.
  • Các chất gây ung thư trong môi trường như Aflatoxins, arsenic, Benzene, aristolochic acids, benzidine, …
  • Bệnh viêm mãn tính: viêm ruột, viêm gan, viêm dạ dày, …
  • Chế độ ăn uống có các thành phần như: acrylamide, chất tạo ngọt nhân tạo, chế độ ăn nhiều muối, thức ăn chế biến sẵn (processsed food), …
  • Nội tiết tố: một số loại ung thư có liên quan đến hormones. Việc sử dụng / điều trị liệu

pháp hormones có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư, nhưng lại giảm nguy cơ ung thư khác.

  • Tác nhân truyền nhiễm: một số tác nhân truyền nhiễm như viruses, vi khuẩn, và ký sinh trùng có thể là nguyên nhân gây ra một số loại ung thư. Ví dụ về tác nhân truyền nhiễm như: Epstein-Barr Virus (EBV), virus viêm gan B và C (HBV và HCV), HIV, HPVs, HP,

  • Béo phì: những người béo phì có thể tăng nguy có mắc một số loại ung thư như ung thư vú, đại tràng, trực tràng, …
  • Tia bức xạ: các tia bức xạ ion hoá gồm radon, tia X, tia Gamma, … có thể gây ung thư do cơ chế làm hỏng chuỗi DNA.
  • Ánh nắng mặt trời: Các loại ánh sáng phát ra tia cực tím (UV) gây lão hoá da sớm và gây ra các tổn thương ở da có thể dẫn đến ung thư.

2.Các yếu tố bảo vệ (protective factors)

Các yếu tố làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư được nghiên cứu nhiều nhất gồm:

  • Hoạt động thể chất: có nhiều nghiên cứu chứng minh cho thấy những người hoạt động thể chất nhiều hơn có nguy cơ mắc một số bệnh lý thấp hơn những người ít hoạt động.
  • Chế độ ăn: chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả làm tăng khả năng bảo vệ các bệnh lý ung thư, các loại thức ăn khác cũng được nghiên cứu giúp phòng ngừa ung thư như cá, tỏi,

vitamin D, …

 

  • Phòng ngừa bằng tiêm vaccine cũng là một cách làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, các vaccine phòng ngừa như vaccine phòng viêm gan B, vaccine phòng HPV

3.Phát hiện sớm các tình trạng tiền ung thư (precancerous lesions)

Việc tầm soát ung thư theo đúng hướng dẫn và khám sức khoẻ định kỳ không chỉ giúp kịp thời thay đổi các thói quen có hại cho sức khoẻ, mà còn giúp phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư. Các tổn thương tiền ung thư như:

  • Các tổn thương dạng loét mạn tính ở da, miệng, đường tiêu hoá, …
  • Polyp đường tiêu hoá, polyp thanh quản, tử cung
  • Nốt ruồi, dày sừng, viêm da mạn tính, .. ở da

4.Điều trị các tổn thương tiền ung thư

Điều trị các tổn thương tiền ung thư theo đúng chỉ định là để phòng ngừa ung thư.

  • Cắt các tổn thương tiền ung thư
  • Điều trị các bệnh lý viêm loét

Như vậy việc dự phòng để không mắc ung thư cần phải kết hợp nhiều cách khác nhau. Trong đó duy trì và tăng cường lối sống lành mạnh và khám sức khoẻ định kỳ là các biện pháp hữu hiệu để giúp cơ thể khoẻ mạnh, phòng ngừa các bệnh lý nói chung và ung thư nói riêng.

Từ khóa