Nhà thuốc Mô phỏng

NHÀ THUỐC MÔ PHỎNG

DS. NGÔ VIẾT PHÚ
Trung tâm Thí nghiệm

  1. Đặt vấn đề

Trong chương trình đào tạo dược sĩ đại học, có 2 môn học là Thực hành Dược khoa và Dược lâm sàng, sinh viên được đi thực hành tại nhà thuốc tư nhân và nhà thuốc bệnh viện, giúp sinh viên có kinh nghiệm thực tế, nhưng về phương diện kiến thức chuyên môn thì hạn chế vì ở đó sinh viên ít được quan tâm, giảng viên bận công việc tổ chức quản lý nhà thuốc nên không giảng dạy được nhiều, sinh viên nhiều do có nhiều trường gửi đến thực hành. Kết quả là việc học của sinh viên chưa đạt yêu cầu.

Để khắc phục mặt yếu nêu trên và nâng cao chất lượng đào tạo, Khoa Dược và nhà trường cần tổ chức Nhà thuốc mô phỏng, tạo điều kiện thực tế để sinh viên học tập một cách bài bản, hiểu rõ cách quản lý, pháp chế và chuyên môn, bao gồm Dược (Pharmacy) liên quan đến kiến thức về tổng hợp, hóa học và bào chế thuốc, và quan trọng nữa là Dược lâm sàng (Clinical Pharmacy) liên quan đến cách dùng thuốc và tác dụng của thuốc trên người bệnh tức là chuyển trọng tâm từ thuốc sang đối tượng dùng thuốc.

  1. Nội dung chương trình học tập của sinh viên tại Nhà thuốc mô phỏng
    1. Tổ chức quản lý nhà thuốc GPP (Good Pharmacy Practices)
    2. Khái niệm về Dược (Pharmacy) và Dược lâm sàng (Clinical Pharmacy)
    3. Tìm hiểu về ý nghĩa và giá trị kết quả xét nghiệm lâm sàng (Huyết học, Hóa sinh, Vi sinh, Ký sinh trùng, Miễn dịch)
    4. Tìm hiểu về đơn thuốc: mẫu đơn thuốc, qui trình và cách kê đơn.
    5. Giao tiếp và tư vấn cho người bệnh.
  2. Qui trình thành lập Nhà thuốc mô phỏng
    1. Cơ sở vật chất
  • Phòng thực hành (60-80m2) thiết kế theo mô hình nhà thuốc
  • Trang bị PTH: tủ trưng bày, quầy bán thuốc, tủ sách (sách chuyên môn, và hồ sơ pháp chế), tủ lạnh, máy vi tính, máy in, điện thoại, điều hòa nhiệt độ, quạt, máy chiếu, màn hình, nhiệt kế, ẩm kế, bình chữa cháy, bàn ghế dành cho bệnh nhân (giao tiếp và tư vấn)  
  • Sưu tầm hộp thuốc mẫu: danh sách, phân loại, cách sắp xếp theo qui định
    1. Hồ sơ pháp chế nhà thuốc GPP
  • Đơn đăng ký thực hành tốt, phân phối thuốc
  • Giấy chứng nhận, đăng kí kinh doanh thuốc
  • Chứng chỉ hành nghề Dược
  • Sơ đồ tổ chức nhà thuốc
  • Danh mục trang thiết bị
  • Sơ đồ sắp xếp kho thuốc
  • Danh mục phân phối thuốc
  • Báo cáo tóm tắt về huấn luyện đào tạo
  • Chính sách chất lượng
  • Qui trình thao tác chuẩn SOP (Standard Operating Procedure)
    • SOP 01: Qui trình đặt hàng – nhập hàng
    • SOP 02: Qui trình bán hàng – xuất hàng
    • SOP 03: Qui trình vận chuyển hàng
    • SOP 04: Qui trình giao hàng
    • SOP 05: Qui trình kiểm tra chất lượng
    • SOP 06: Qui trình phòng chống côn trùng, gặm nhấm
    • SOP 07: Qui trình xử lý bao bì thuốc bị vỡ
    • SOP 08: Qui trình thu hồi thuốc
    • SOP 09: Qui trình theo dõi nhiệt độ, ẩm độ
    • SOP 10: Qui trình xử lý khiếu nại
    • SOP 11: Qui trình nhận biết và truy tìm nguồn gốc sản phẩm
    • SOP 12: Quy trình vệ sinh kho thuốc
  1. Kết luận

Với một mô hình thực hành như đề xuất cộng với sự quan tâm của Khoa, sự tận tụy của đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm, sinh viên Dược sau khi tốt nghiệp sẽ đủ khả năng tự mình tổ chức quản lý một nhà thuốc GPP có chất lượng.