Đào Tạo Dựa theo Năng lực: Cơ hội vàng cho mô phỏng y tế – đừng ngại thay đổi

Đào Tạo Dựa theo Năng lực: Cơ hội vàng cho mô phỏng y tế – đừng ngại thay đổi

TS.BS. Lê Thị Huỳnh Trang

Trong làn sóng đổi mới giáo dục y khoa toàn cầu, đào tạo dựa theo năng lực (Competency-Based Education – CBE) đang nổi lên như một mô hình tiên tiến, tập trung vào cả quá trình học tập và kết quả đầu ra, với trọng tâm là sự thành thạo thực sự của người học. Mô hình này không chỉ đòi hỏi người học “biết”, mà phải “làm được” trong bối cảnh thực tiễn.

Tuy nhiên, sự chuyển dịch này khiến không ít nhà giáo dục mô phỏng lo ngại: Liệu có cần thiết phải thiết kế lại toàn bộ chương trình mô phỏng? Câu trả lời là: Không. Thay vì một cuộc “cách mạng đập đi xây lại”, sự tích hợp CBE vào mô phỏng là một sự tiến hóa tự nhiên, tinh chỉnh hợp lý từ những thực hành tốt vốn đã và đang được áp dụng.

1.Mô phỏng y tế: Nền tảng vốn đã gắn bó mật thiết với CBE

Từ lâu, giáo dục mô phỏng đã thể hiện tinh thần của CBE thông qua:

  • Phương pháp học tập lấy người học làm trung tâm
  • Định hướng theo sự thành thạo (mastery-based learning)
  • Đánh giá năng lực thực tiễn qua hành vi và quyết định lâm sàng

Việc chuyển sang CBE đơn giản là củng cố những gì mô phỏng đã làm tốt, đặc biệt khi áp dụng thiết kế ngược (backward design) – nơi các hoạt động học tập được xây dựng xuất phát từ mục tiêu năng lực cần đạt.

2.Bí quyết tích hợp mô phỏng vào CBE: Sự liên kết chặt chẽ và minh bạch

Để tối ưu hóa vai trò của mô phỏng trong mô hình đào tạo dựa theo năng lực, cần chú trọng:

  • Xây dựng chương trình (curriculum mapping): Liên kết chặt chẽ giữa hoạt động mô phỏng, năng lực đầu ra, mục tiêu môn học và kết quả học tập.
  • Xây dựng môi trường học tập an toàn: Cho phép sinh viên được sai, được phản hồi và được huấn luyện – thay vì bị phán xét.
  • Đảm bảo tính xác thực (authenticity): Kịch bản mô phỏng nên dựa trên các tình huống lâm sàng thực tế, có sự thẩm định từ giảng viên chuyên môn và đơn vị thực hành.
  • Phát triển năng lực theo lộ trình (scaffolded progression): Thiết kế các mô phỏng có tính tiếp nối và nâng dần độ phức tạp, giúp sinh viên phát triển năng lực từng bước rõ ràng.

3.CBE củng cố các thực hành mô phỏng tốt nhất hiện nay

Việc tích hợp CBE hoàn toàn tương thích với Bộ tiêu chuẩn thực hành tốt trong mô phỏng y tế (Healthcare Simulation Standards of Best Practice – HSSOBP) và các tiêu chuẩn kiểm

định quốc tế khác như của Society for Simulation in Healthcare (SSH). Các tiêu chuẩn này nhấn mạnh:

  • Thiết kế mô phỏng dựa trên đánh giá nhu cầu (needs assessment)
  • Tối ưu hóa vai trò của phản hồi và giai đoạn thảo luận (debriefing)
  • Đảm bảo tính xác thực, mục tiêu rõ ràng và phù hợp với năng lực cần đạt

(Nguồn: internet)

4. Chiến lược triển khai hiệu quả

Các chương trình đào tạo không cần loại bỏ mô phỏng hiện có. Thay vào đó, hãy:

  1. Đánh giá mức độ phù hợp hiện tại: Các hoạt động mô phỏng đang dùng có phản ánh đúng năng lực cần đạt và mục tiêu chương trình hay chưa?
  2. Tái thiết kế có mục tiêu: Cập nhật các tình huống mô phỏng để tăng cường sự liên kết, thay vì viết lại từ đầu.
  3. Khai thác khoảng trống lâm sàng: Sử dụng mô phỏng để dạy những năng lực mà sinh viên khó có cơ hội trải nghiệm trong thực hành thực tế.
  4. Hợp tác đa bên: Thu hút giảng viên, sinh viên và đối tác lâm sàng cùng tham gia xây dựng và cải tiến các hoạt động mô phỏng.
  5. Hỗ trợ phát triển giảng viên: Cung cấp chương trình bồi dưỡng chuyên môn, đặc biệt về debriefing chất lượng cao và đánh giá dựa trên năng lực.

5. Từ bổ trợ đến thiết yếu: Vai trò mới của mô phỏng trong giáo dục điều dưỡng – y khoa

Sự chuyển dịch từ “dạy nội dung” sang “phát triển năng lực” là cơ hội để mô phỏng trở thành cốt lõi của chương trình đào tạo, chứ không chỉ là công cụ hỗ trợ. Giảng viên mô phỏng giờ đây có vai trò trung tâm trong:

  • Định hình chương trình học thực hành
  • Thiết kế hệ thống đánh giá phản ánh đúng năng lực hành nghề
  • Tạo nên một môi trường học tập nhân văn, công bằng và hiệu quả

(Nguồn: internet)

6.Kết luận: Không phải cải tổ – mà là tối ưu những gì đang có và phát triển không ngừng

Sự tích hợp mô phỏng vào đào tạo theo năng lực cho ngành điều dưỡng không phải là thay đổi toàn bộ CTĐT mà là làm tốt hơn những gì vốn đã có và đúng. Sự kết hợp này giúp thế hệ sinh viên/ học viên điều dưỡng và y khoa sẵn sàng trước khi bước vào môi trường lâm sàng thật một cách tự tin, có năng lực, và có tính chuyên nghiệp cao nhất.

Từ khóa