Hiểu nguyên lý Tảng băng trôi: Chìa khóa mở ra chiều sâu học tập trong mô phỏng y khoa
TS. BS Lê Thị Huỳnh Trang
Khái niệm “Tảng băng trôi” (Iceberg Model) có nguồn gốc từ các lý thuyết trong tâm lý học, giao tiếp và phân tích hệ thống. Hình ảnh “tảng băng trôi” lần đầu được nhắc đến nhờ nhà văn Ernest Hemingway, sau đó được phổ biến bởi Edward T. Hall – nhà nhân học văn hóa, khi ông mô tả cách phần lớn văn hóa nằm ở tầng sâu không thể quan sát trực tiếp. Sau này, mô hình này được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như quản lý, giáo dục, và phát triển năng lực, đặc biệt là trong các tình huống cần hiểu hành vi con người một cách toàn diện.
Trong giáo dục y khoa – nơi người học phải xử lý các tình huống phức tạp, nhạy cảm và có yếu tố cảm xúc – nguyên lý “Tảng băng trôi” giúp giảng viên tránh nhìn nhận hành vi lâm sàng một cách đơn giản hoặc phiến diện. Thay vào đó, nó khuyến khích tiếp cận với sự tò mò, tôn trọng và phân tích có chiều sâu, nhằm khám phá các yếu tố ẩn sau quyết định lâm sàng của người học.
Chính vì vậy, nguyên lý này được đưa vào phương pháp debriefing như một công cụ giúp “đào sâu” nhận thức, từ đó thúc đẩy học tập phản tư – một năng lực thiết yếu để hành nghề y an toàn và hiệu quả.
Thay vì vội vã sửa lỗi cho học viên khi thực hiện các kỹ năng không đúng trong tình huống lâm sàng, hãy dừng lại và thử áp dụng một công cụ mạnh mẽ: Nguyên lý Tảng băng trôi trong debriefing. Đây là một trong những cách tiếp cận hiệu quả nhất giúp giảng viên khám phá điều gì thực sự xảy ra bên trong tâm trí người học, từ đó thúc đẩy quá trình học tập phản biện một cách sâu sắc và bền vững.
Tảng băng trôi – Nhìn thấy điều chưa lộ diện
Hãy hình dung một tảng băng trôi giữa đại dương: chỉ 10% nổi trên mặt nước, phần lớn (90%) chìm sâu bên dưới. Trong mô phỏng, phần nổi là hành vi của người học – những gì ta thấy và nghe. Nhưng phần chìm mới thực sự quan trọng: niềm tin, giả định, cảm xúc, kinh nghiệm cá nhân, mô hình tư duy, nguyên nhân. Chính những yếu tố này mới là “gốc rễ” dẫn đến hành vi.
Nếu ta chỉ tập trung vào những gì nhìn thấy, ta có thể bỏ qua lý do thật sự vì sao người học lại hành động như vậy.

Vì sao điều này quan trọng trong Debriefing?
Trong debriefing, mục tiêu không chỉ là “chữa lỗi” mà là hiểu cách người học suy nghĩ, ra quyết định và phản ứng trong bối cảnh lâm sàng. Khi giảng viên biết cách đi sâu vào “phần chìm” của tảng băng, ta giúp người học:
- Nhận diện giả định sai hoặc thiếu sót kiến thức.
- Gỡ rối cảm xúc (lo lắng, áp lực, tự ti).
- Hiểu cách họ tư duy, không chỉ hành động.
- Phát triển sự tự nhận thức – yếu tố cốt lõi của năng lực lâm sàng. Làm sao để “lặn sâu” hiệu quả?
Đây là một số gợi ý thực hành trong khi debriefing:
1.Đặt câu hỏi khai mở tư duy
Thay vì hỏi “Tại sao em không làm A?”, hãy thử:
- “Lúc đó em đang suy nghĩ gì?”
- “Điều gì khiến em đưa ra quyết định đó?”
- “Có điều gì khiến em phân vân?”
2.Tạo không gian an toàn
Người học sẽ không chia sẻ thật nếu họ cảm thấy bị đánh giá. Hãy cho họ biết: “Chúng ta không ở đây để phán xét, mà để hiểu và cùng học.”
- Thực hành phương pháp “Trình bày – Hỏi” (Advocacy-Inquiry)
Ví dụ: “Lúc thấy em không gọi thêm người hỗ trợ, tôi có cảm giác em hơi lúng túng. Tôi muốn hiểu: lúc đó em đang nghĩ gì?”
4.Lắng nghe
Quan sát ánh mắt, cử chỉ, khoảng lặng – đôi khi điều quan trọng không nằm ở lời nói.
Một ví dụ rất thường gặp trong đào tạo y khoa:
Một học viên không khởi động ép tim dù bệnh nhân mô phỏng đã ngừng tim. Khi debriefing, thay vì nhấn mạnh “đây là sai sót nguy hiểm”, giảng viên đã hỏi:
“Khi thấy monitor báo asystole, em đã nghĩ gì?”. Người học trả lời:
“Em nghĩ đây là lỗi kỹ thuật của máy, vì trong ca trực tuần trước, monitor hỏng thật.”
è Câu trả lời này mở ra cánh cửa giúp giảng viên nói về sự phân biệt tín hiệu thật – giả, độ tin cậy của thiết bị, và tầm quan trọng của đánh giá lâm sàng độc lập. Một sai sót nhỏ trở thành cơ hội học tập sâu sắc.

Kết luận: Học để hiểu, không chỉ để làm
Áp dụng nguyên lý tảng băng trôi giúp giảng viên mô phỏng trở thành người khai vấn (facilitator), người hướng dẫn, chứ không phải người giám khảo. Đó là cách giúp người học tự khám phá chính mình, nhận diện khoảng trống trong tư duy và năng lực, từ đó cải thiện hiệu quả thực hành lâm sàng trong tương lai.
Và quan trọng nhất: học viên sẽ nhớ buổi debriefing đó – không phải vì bị sửa lỗi – mà vì họ cảm thấy được thấu hiểu và trưởng thành.
Tài liệu tham khảo
- Rudolph JW et al. Debriefing with Good Judgment. Simul Healthc. 2006.
- Cheng A et al. Debriefing in Simulation-Based Education. Med Educ. 2014.
- Kolb DA. Experiential Learning Theory. 1984.