SINH VIÊN ƠI ! LÀM SAO THOÁT CÁI BẨY BÁN HÀNG ĐA CẤP ?

Những ngày vừa qua một vài SV trường Đại học Đông Á đang bị lôi kéo, dụ dỗ và vướng vào các công ty/tổ chức/CLB kinh doanh đa cấp trái phép.

1.Phân biệt bán hàng “đa cấp chân chính” và bán hàng “đa cấp bất chính”

Bán hàng đa cấp (Multi-level marketing, MLM) hay còn gọi tiếp thị đa cấp, kinh doanh theo mạng lưới (network marketing); Là hình thức phân phối sản phẩm/dịch vụ đến tận người tiêu dùng, ví dụ thay vì đến nhà thuốc (pharmacie) để mua một hộp thuốc/thực phẩm chức năng thì hộp thuốc/thực phẩm chức năng sẽ được người nào đó mang đến tận tay và người này được hưởng hoa hồng (%), mỗi cá thể được gọi là nhà phân phối. Như vậy toàn bộ nhà phân phối thuộc hệ thống bán hàng đa cấp vừa là nhà tiêu dùng sản phẩm/dịch vụ vừa là người trực tiếp bán hàng cho người tiêu dùng. Hệ thống bán hàng đa cấp chân chính có sản phẩm tốt, người phân phối tốt, lợi nhuận do bán hàng là chủ yếu chứ không phải tuyển dụng thêm nhà phân phối.

Tại Việt Nam Hiệp hội Bán hàng Đa cấp viết tắt là VNMLMA thành lập vào tháng 10/2009 hoạt động theo quy định của Pháp Luật. Tuy nhiên cho đến nay, hoạt động này cũng đã bị biến tướng bởi nhiều hình thức bán hàng đa cấp bất chính, ví dụ như Tổ chức bán hàng đa cấp Liên kết Việt (chủ mưu Lê Xuân Giang) đã sập bẩy cho hơn 66.000 người ở 49 tỉnh thành và thu hút hơn 1.100 tỷ đồng, đang được xử lý theo pháp luật; Công ty Diamond Holiday Đông Nam Á kinh doanh đa cấp thương mãi điện tử....

2. Nhận dạng bán hàng đa cấp bất chính:  bán hàng đa cấp bất chính lừa đảo người tham gia còn gọi “hình tháp ảo”; Lợi nhuận không bắt nguồn từ bán sản phẩm mà từ việc tuyển dụng thành viên mới và sử dụng nhiều chiêu trò lừa đảo. Các đặc điểm giúp nhận biết kinh doanh đa cấp bất chính:

2.1.Tuyển dụng nhân viên là hoạt động chủ yếu: đa số con mồi thường là những người thiếu kinh nghiệm, cả tin, đang thất nghiệp, cần tiền, đang bế tắc trong công việc. Đối tượng sinh viên đang được các tổ chức bán hàng đa cấp bất chính quan tâm với nhiều chiêu trò thông qua các chương trình tập huấn, các hội nghị có vẻ “hoành tráng”, các món quà tặng hấp dẫn (du lịch, du học), thu nhập cao, gói lãi trước mắt khổng lồ....Gọi là “lấy mỡ nó rán nó”.

2.2.Sản phẩm/dịch vụ kém chất lượng, hoặc không có thực nhưng vẫn được gán cho là sản phẩm quốc tế, xuyên quốc gia. Người tiêu dùng mua phải những hàng kém chất lượng nhưng giá rất cao mà vẫn vui vẻ phấn khởi.

2.3.Người tham gia phải đóng tiền (khâu cuối cùng): một khoản tiền được sử dụng cho thanh toán buổi tập huấn và chia sẻ thông tin nội bộ, mua sản phẩm, chi phí hoạt động (đi du lịch, dã ngoại...), và nhất là đặt cọc để kinh doanh có lãi.

2.4. Hứa hẹn cơ hội làm giàu nhanh chóng hấp dẫn: thu hồi vốn nhanh, lãi suất cao, sự nghiệp thăng tiến, tương lai giàu có

2.5.Không chú trọng khâu kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm vốn là nguồn lợi chủ yếu và là mục tiêu của hệ thống bán hàng đa cấp chân chính.

2.6.Không có giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp hoặc núp bóng giấy phép để thực hiện những hoạt động phi pháp không đúng với quy định bán hàng đa cấp.

Từ những đặc điểm trên chúng ta có thể nhận diện và phòng ngừa các chiêu trò lừa đảo một cách tỉnh táo và sáng suốt để không bị vướng vào những cái bẩy giăng sẳn của hệ thống bán hàng đa cấp bất chính.

- PGS.TS Trần Thị Minh Diễm -