Kỹ năng viết bài luận

Tiểu luận là một bài viết ngắn để trình bày quan điểm, nghiên cứu, phát hiện về một chủ đề mà người viết tâm đắc, nó có độ dài từ 5 đến 20 trang, dù viết về một vấn đề gì thì nhiệm vụ của một tiểu luận phải nêu lên được vấn đề, phân tích vấn đề và trình bày những kết quả mới mà người viết phát hiện được, hay ý kiến, quan điểm, kết luận của người viết.

Kỹ năng viết luận là một trong những yêu cầu bắt buộc với sinh viên. Việc viết luận không đơn giản là bạn trả bài sự ghi chép ý giảng của thầy cô, mà đây chính là sản phẩm nghiên cứu của cá nhân bạn hoặc của nhóm. Đừng nghĩ tới việc lên mạng có copy bài làm của một người khác về nhé, việc gian lận như vậy sẽ dễ dàng bị phát hiện và bị trừng phạt. Do vậy hãy tìm hiểu và học kỹ năng viết luận từ cách trình bày, trích dẫn tài liệu tham khảo cho tới cách hành văn trong bài viết của mình.

Một tiểu luận khoa học không thể trình bày một cách ngẫu hứng theo sở thích của người viết mà phải theo những tiêu chuẩn quy định chuẩn về cỡ chữ, khoảng cách giữa các dòng, canh lề, kiểu chữ, tiêu đề, trình bày lời cảm ơn, ghi chú, trích dẫn, tài liệu tham khảo...

Các tiểu luận tuy ngắn nhưng cũng phải tuân theo một số cấu trúc bắt buộc để đảm bảo tính khoa học. Để làm tốt tiểu luận, cần phải nắm được các yêu cầu của tiểu luận, bao gồm: Yêu cầu về nội dung, yêu cầu về hình thức, yêu cầu về phương pháp.

Nội dung: Tiểu luận là một bài tập nghiên cứu khoa học sau khi học xong một môn học nào đó. Nội dung của tiểu luận phải có liên quan đến môn học, góp phần giải đáp, mở rộng hoặc nâng cao kiến thức về một vấn đề khoa học thuộc môn học. Người làm cần phải đưa ra những nghiên cứu riêng, ý kiến riêng của mình về vấn đề khoa học được đề cập tới trong tiểu luận. Không nên dừng ở mức độ chỉ tổng hợp các tài liệu và ý kiến có sẵn.

Hình thức: Tiểu luận cần được soạn thảo bằng máy tính, trình bày đúng qui cách, bao gồm các điểm chính. Phần này đã được giáo viên hướng dẫn cụ thể tuy nhiên ở phần này cũng lưu ý người viết tiểu luận một vài điểm sau:

+ Không nên lạm dụng các tính năng trình bày của máy tính, chỉ nên trình bày rõ ràng, sáng sủa. Tiểu luận cần được viết với văn phong giản dị, trong sáng, sử dụng chính xác các thuật ngữ chuyên môn, đặc biệt, không được mắc các lỗi chính tả và ngữ pháp. Muốn vậy, sau khi hoàn thành xong về nội dung, trước khi in, cần phải đọc lại và sửa chữa kỹ lưỡng về chính tả, ngữ pháp, câu văn và cách trình bày trang in. Về hình thức, tiểu luận bao gồm các thành phần chính sau:

+ Bìa: Ngoài cùng của tiểu luận là bìa tiểu luận. Bìa được làm bằng giấy cứng, phía trên cùng đề tên trường và khoa, giữa trang đề tên đề tài bằng khổ chữ to, góc phải cuối trang đề họ tên người hướng dẫn, người thực hiện đề tài, lớp và năm học. Trang bìa có thể đóng khung cho đẹp.

+ Trang bìa: là bản chụp của bìa, in trên giấy bình thường

+ Lời cảm ơn (nếu cần)

+ Mục lục

+ Phần nội dung chính: Đây là phần trình bày kết quả nghiên cứu của tiểu luận. 

+ Danh mục tài liệu tham khảo

+ Phụ lục (nếu cần)

Có một số lỗi quan trọng của sinh viên khi viết tiểu luận là

- Copy và Pasle: Lỗi phổ biến hiện nay khi viết là các sinh viên tự nhiên trong việc tìm tài liệu trên mạng sau đó cắt và dán. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay khi chỉ cần một click chuột ta có thể tìm trong nháy mắt thông tin mình cần, “đạo văn” (plagiarism) trở thành một thách thức to lớn đối với sinh viên trong nỗ lực học hành và làm suy yếu nghiêm trọng niềm tin vào trí tuệ của sinh viên trong quá trình học tập và tìm kiếm tri thức. Ngày nay “văn hóa sao chép- dán” trở nên phổ biến trong sinh viên và nếu chúng ta không làm gì đó thì hành vi này sẽ vượt khỏi khuôn khổ và sẽ quá muộn để khắc phục.

- Lỗi ngôn ngữ văn phong: Các lỗi thường gặp là sai lỗi chính tả, dùng từ không phù hợp trong các báo cáo khoa học kỹ thuật như dùng đại từ ngôi thứ nhất: tôi, ta, chúng ta,… các từ cảm thán, từ địa phương, văn nói,… vào báo cáo. Cũng có các trường hợp dùng từ lủng củng không toát ý, ý trước mâu thuẫn với ý sau. Để khắc phục lỗi này, người viết báo cáo nên nêu các câu chủ đề. Các câu tiếp theo sẽ khiến khai ý của câu chủ đề đó. Như vậy, báo cáo của bạn sẽ trở nên mạch lạc, rõ ràng và đủ ý.

- Sai nội dung: Có nhiều đoạn viết lan man, không có ý chính, người đọc đọc xong không biết người viết muốn viết gì. Một số văn bản đòi hỏi tính chặt chẽ yêu cầu người viết phải cẩn thận trong từng câu chữ và ngữ nghĩa. Vì thế khi viết người viết thường phải lập dàn ý và chú ý vào thông điệp chính.

- Sai định dạng máy tính: khi viết văn bản bằng máy tính các sinh viên cũng cần lưu ý các lỗi cơ bản khi gõ văn bản. Lỗi thường thấy nhất là các lỗi về định dạng trang văn bản, canh lề, gõ chữ, gõ dấu. Một lỗi phổ biến khi viết báo cáo đó là viết một đoạn quá dài mà không có dấu chấm câu. Trong nhiều báo cáo khác lại sử dụng dấu câu tùy tiện hoặc thiết khoảng trắng khi viết. Lưu ý khi sử dụng khoảng trắng là không đặt khoảng trắng ở trước và sau các dấu câu, dấu chấm, chấm phẩy, hai chấm mà nên có dấu cách bình thường như đang viết một từ bất kì. Hay đối với dấu ngoặc đơn hoặc ngoặc kép thì phía ngoài dấu ngoặc là một khoảng trắng, phía trong dấu ngoặc không có khoảng trắng.

- Sưu tầm -