Chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho mỗi người trong phòng chống đại dịch COVID-19

Tính đến sáng ngày 25/4/2020 số người bị nhiễm Covid-19 trên thế giới là 2.827.841, tử vong 197.082 và hồi phục 798.371 người. Đặc biệt ở Việt Nam, mặc dù dân số đông gần 100 triệu người, có lãnh thổ sát ổ dịch phát sinh đầu tiên trên thế giới, nhưng chỉ có 270 người bị nhiễm Covid-19, đặc điệt chưa có trường hợp nào tử vong. Đó là một con số so với nhiều nước thật kinh ngạc, tự hào và khâm phục cho chương trình phòng chống Covid-19 của nhân dân, chính phủ và tinh thần Việt của chúng ta.

Sắp đến, sinh viên Trường Đại học Đông Á nói riêng và sinh viên các trường khác trong toàn quốc nói chung, nhập học đến trường trong niềm vui xa cách lâu ngày được tiếp tục học tập. Nhưng hiện nay chúng ta vẫn sống chung với dịch bệnh Covid-19. Sáng 24 tháng 4 năm 2020 tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 PTT Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Sống chung an toàn với dịch bệnh không có nghĩa là chủ quan. Nguy cơ dịch bệnh vẫn hiện hữu xung quanh chúng ta”. Không chủ quan có nghĩa ngoài các phương pháp cách ly cộng đồng, giãn cách chống lây lan, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên thì các biện pháp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể phòng chống Covid-19 là cực kỳ quan trọng vì ngay cả khi Covid-19 đã xâm nhập vào cơ thể, nếu hệ miễn dịch khỏe, đội ngũ kháng thể hùng hậu, thì chức năng miễn dịch sẽ vây bắt và tiêu diệt Covid-19 trước khi chúng gây bệnh. Để tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp: dinh dưỡng hợp lý, giấc ngủ đầy đủ, tập thể dục đều đặn, hoạt động trong môi trường thông thoáng, đầy đủ ánh sáng, thông khí tốt, bỏ thuốc lá, không rượu bia, có lối sống lành mạnh…Trong đó nhấn mạnh đến vai trò của Dinh dưỡng miễn dịch.

Dinh dưỡng miễn dịch là sự bổ sung các chất dinh dưỡng đặc biệt có hoạt tính miễn dịch cao nhằm điều hòa hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo ra khả năng đáp ứng miễn dịch tốt nhất chống lại bệnh tật, chống lại Covid-19. Chúng ta cần thực hiện một số nguyên tắc sau  để tạo ra hệ thống miễn dịch khỏe mạnh từ dinh dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày .

Một: Đảm bảo cung cấp đủ năng lượng thông qua các bữa ăn hàng ngày

Chúng ta có thói quen duy trì 03 bữa chính trong ngày (bữa sáng, bữa trưa và bữa tối). Tuy nhiên, một số người bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng. Việc bỏ bữa này khiến cho tổng năng lượng qua bữa ăn hàng ngày không đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể, khiến cơ thể mệt mỏi, hệ miễn dịch suy giảm, dễ mắc bệnh. Nên chúng ta cần đảm bảo không bỏ bữa, ăn đủ 03 bữa chính, và lưu ý ăn thêm bữa phụ giữa giờ (sữa, sữa chua, hoa quả, đậu...).

 Hai: Bổ sung thực phẩm nhiều đạm (protein) trong các bữa ăn

Một chế độ ăn đủ đạm (protein) có vai trò rất quan trọng giúp cơ thể duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh và nhanh lành bệnh. Chất đạm cung cấp nguyên liệu tạo ra các kháng thể có chức năng miễn dịch chống lại Covid-19 gây bệnh. Đạm có trong các loại thực phẩm: Thịt, cá, trứng, sữa, và đậu/đỗ. Mỗi người cần ăn 5-6 phần đạm /ngày. Mỗi phần đạm tương đương 40g thịt/cá/tôm, 1 quả trứng gà/vịt, 1 bìa đậu phụ, 1 cốc sữa. Nên sử dụng đạm cả nguồn động vật lẫn thực vật.

Ba: Ăn các chất giàu vitamin và khoáng chất có tác dụng tăng cường miễn dịch

Ăn nhiều thức ăn có nhiều vitamin A và caroten (gan, trứng, khoai lang, bí ngô, cà rốt, đu đủ…). Ăn các loại rau xanh, hoa quả nhiều vitamin C (cam, bưởi, ổi…), thực phẩm chứa nhiều kẽm ( thịt heo, thịt bò, hàu, sò…). Ăn nhiều hơn thực phẩm có selen (trứng, nấm, tôm, đậu đỗ,…). Bổ sung kẽm và selen có tác dụng phòng bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng hô hấp cấp.

Bốn: Bổ sung các loại thực phẩm nhiều Omega-3

Đó là cá và các loại hải sản. Cá nên có trong bữa ăn 2 lần mỗi tuần. Omega-3 đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch đường hô hấp. Ngoài ra, các loại hải sản còn là nguồn cung cấp kẽm rất tốt cho hệ miễn dịch của cơ thể.

Năm: Bổ sung các loại rau, củ, gia vị nhiều hóa thực vật và tinh dầu trong bữa ăn

Tăng cường sử dụng, hành, tỏi, gừng, sả, chanh, và các loại rau thơm nhiều hóa thực vật và tinh dầu (bạc hà, kinh giới, tía tô…) trong các bữa ăn hàng ngày vì những thực phẩm này có tính kháng khuẩn cao, kích thích tiêu hóa. Có thể uống nước gừng ấm, hoặc nước chanh sả ấm.

Sáu: Bổ sung các dinh dưỡng đặc trị tăng cường sức khỏe giàu năng lượng và đạm

Ở những người mắc các bệnh mạn tính, người thiếu cân hoặc suy dinh dưỡng thường có chế độ ăn uống không đủ dinh dưỡng. Những người này nên bổ sung các chế phẩm dinh dưỡng giàu năng lượng và đạm, ví dụ sữa nước hoặc sữa bột. Mỗi ngày bổ sung không quá 500 calo, tương đương 2 cốc sữa.

Đặc biệt vai trò và lợi ích của Sữa non. Đây là loại dinh dưỡng miễn dịch hàng đầu vì chứa hàm lượng lớn kháng thể IgG và có vai trò quan trọng trong phòng chống nhiễm khuẩn đường hô hấp cũng như tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Việc sử dụng Sữa non, sẽ mang đến cho chúng ta hiệu quả tức thời và nhanh về khả năng tăng cường miễn dịch.

Ngoài ra còn một loại thực phẩm rất kỳ diệu rẻ tiền, dể làm và sẵn có là Trứng giấm cung cấp cho cơ thể nhiều loại vitamin, protein và canxi đã phân giải dễ hấp thu để thoát nhanh khỏi mệt mỏi, tăng cường sức khỏe xương khớp và tăng cường miễn dịch.

Bảy: Bổ sung các loại vitamin tổng hợp, khoáng chất và dầu cá

Chế độ ăn đầy đủ vẫn là phương pháp hữu hiệu cung cấp các vitamin và khoáng chất. Trong không hấp thu đầy đủ, có thể uống bổ sung thuốc đa sinh tố chứa vitamin A, vitamin C, vitamin D, kẽm (Zn), và selenium (Se) theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đây là các chất giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể trong giai đoạn dịch Covid – 19.

Tám : Uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm

Chỉ cần cảm thấy có chút khô họng phải uống nước ngay. Lưu ý mỗi ngày uống không dưới 1500ml nước ấm. Uống từng ngụm nhỏ, nhiều lần trong ngày. Cần bổ sung nước thường xuyên chứ không đợi cảm giác khát mới uống. Nhu cầu nước uống phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể, hoạt động thể lực mỗi ngày.

Chín là: Không ăn kiêng, hãy ăn đa dạng nhiều thực phẩm

Trong giai đoạn này cần phải ăn đa dạng các loại thực phẩm, thực phẩm nhiều màu sắc và dinh dưỡng phong phú. Cố gắng ăn không dưới 15 loại thực phẩm mỗi ngày, kể cả gia vị.

Mười: Hạn chế đồ dầu mỡ, đồ chiên rán, đồ ngọt

Những thực phẩm này cung cấp nhiều năng lượng, nhưng gây đầy bụng khó tiêu, không cung cấp đủ đạm và các vitamin cần thiết cho hệ miễn dịch của cơ thể.

Mười một: Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Ăn chín, uống sôi. Các loại thịt, cá, trứng phải được nấu chín hoàn toàn. Để riêng thực phẩm sống, chín. Thực phẩm tươi chưa sử dụng phải cất ngăn đá tủ lạnh. Thực phẩm đã nấu chưa ăn ngay phải cất ngăn mát tủ lạnh. Rửa tay trước khi ăn, trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với bề mặt có nguy cơ. Hạn chế ăn hàng quán.

Mười hai: Hạn chế bia rượu, tiệc tùng, tụ tập đông người 

Hạn chế bia rượu, tiệc tùng, tụ tập đông người để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid - 19 truyền qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với bề mặt nhiễm.

Thực đơn tạo dinh dưỡng miễn dịch

Sau đây là thực đơn gợi ý cho sinh viên và các thầy cô nhằm nâng cao sức đề kháng, tăng cường miễn dịch để phòng chống dịch Covid-19

Bữa sáng  giúp ta có đủ năng lượng cho một ngày làm việc trí óc căng thẳng. Một số thực phẩm tốt cho bữa sáng lành mạnh và khoa học như là sữa, trứng, chuối, các loại hạt, quế, táo, yến mạch, sữa chua. Bên cạnh đó, một ít caffeine cũng có thể kích thích thần kinh trung ương phấn chấn tinh thần

Bữa trưa, nên ăn nhiều thực phẩm giàu protein như thịt (lợn nạc, bò, gà, vịt...) gan và thận động vật; các loại cá; đậu đỗ và các chế phẩm  như đậu phụ, sữa đậu nành...

Bữa tối,  nên ăn uống giản đơn,  nên ăn nhiều thức ăn giàu vitamin như các loại rau xanh, củ quả như cà chua, cà rốt... vừa giúp đẹp da, lại giúp tăng cường thị lực.

Đặc biệt, cần bổ sung các loại trái cây tươi, giàu vitamin C (cam, chanh, quýt...) cho một ngày làm việc.

Trên đây là một số kiến thức về dinh dưỡng miễn dịch, tăng cường sức khỏe trong công tác  phòng chống Covid-19 giúp các em sinh viên và các thầy cô của Trường Đại học Đông Á vượt qua khó khăn, thoải mái về tinh thần, mạnh mẽ về thể chất, thực hiện học tốt và dạy tốt, xây dựng thương hiệu của Trường ta ngày càng vững mạnh.

TS.BS.Nguyễn Anh Quân - Khoa Y - Đại học Đông Á