GIỚI THIỆU

 

1. Sứ mệnh

Khoa Điều dưỡng có sứ mệnh đào tạo Điều dưỡng ở các trình độ Cao đẳng và Đại học; nghiên cứu khoa học và cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đảm bảo cho người học sau khi ra trường có đủ năng lực theo Chuẩn Năng lực Cơ bản của Điều dưỡng Việt Nam, có đạo đức nghề nghiệp theo chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên, có trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp ứng xử, các kỹ năng làm việc chuyên nghiệp và học tập phát triển suốt đời.

2. Sự hình thành và phát triển

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập và phát triển tại Việt Nam hiện nay, công tác đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong lĩnh vực Y tế đóng vai trò hết sức quan trọng. Đó là chìa khóa để đẩy nhanh quá trình tiếp cận và hội nhập với Y tế thế giới.

Với sự phát triển của nền Y học thế giới và Việt Nam, số lượng bệnh nhân được cứu sống tại Việt Nam ngày càng tăng, phạm vi lĩnh vực hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng mở rộng trong khi đội ngũ nhân lực điều dưỡng trình độ cao (cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ) của Việt Nam thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe của ngành Y tế. Vì vậy, việc tăng cường chất lượng đào tạo để phát triển nguồn nhân lực điều dưỡng chất lượng cao là một trong những hoạt động nhằm thực hiện chủ trương “Đào tạo theo nhu cầu xã hội”.

Với sự cần thiết như vậy, Khoa Điều dưỡng Đại học Đông Á được thành lập theo quyết định số 182/QĐ-ĐHĐA, ngày 20 tháng 6 năm 2011 nhằm đáp ứng với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực điều dưỡng chất lượng cao cung cấp cho các cơ sở y tế các tỉnh trên địa bàn Miền Trung Tây Nguyên.

Trong hơn 3 năm qua kể từ ngày thành lập, Khoa Điều dưỡng đã không ngừng phát triển, chương trình đào tạo đã được xây dựng theo các module thực hành, cơ sở vật chất khang trang, phòng học đầy đủ, các phòng thực hành y học cơ sở, phòng thực hành kỹ năng và phòng thực hành tiền lâm sàng đang được đầu tư trang bị dần đi đến hiện đại. Cùng với Đội ngũ cán bộ giảng viên trẻ, năng động, tiếp xúc thường xuyên với phương pháp đào tạo tiên tiến trên thế giới, bên cạnh đó đội ngũ cán bộ lãnh đạo Khoa Điều dưỡng là những thầy cô có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế nói chung và chuyên ngành điều dưỡng nói riêng.

3. Mục tiêu đào tạo

Mục tiêu của Khoa là đào tạo các Điều dưỡng viên có thái độ tích cực, có đạo đức tốt, có lòng tự tin và hãnh diện về việc lựa chọn ngành nghề và tự nguyện cống hiến cuộc đời cho việc chăm sóc sức khỏe con người, có khả năng thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn theo vị trí công việc, có phương pháp đánh giá kết quả công việc chuyên môn một cách độc lập và chính xác.

Ngưòi học sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các cơ sở khám và chữa bệnh ở các tuyến trung ương, tỉnh/ thành phố, quận/huyện, xã, các cơ sở đào tạo nhân lực y tế (hệ thống công lập và ngoài công lập), các tổ chức y tế phi chính phủ, các nhà dưỡng lão, các tổ chức xã hội thuộc ngành nghề chăm sóc sức khỏe, trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của quân đội. Ngoài ra, với trình độ tiếng Anh đạt TOIEC ≥ 450, các cử nhân điều dưỡng có thể làm việc tại các bệnh viện của nước ngoài tại Việt Nam và ở nước ngoài.

4. Chức năng

Khoa có chức năng tổ chức thực hiện đào tạo và quản lý sinh viên các ngành học Điều dưỡng đa khoa và Điều dưỡng Sản phụ khoa, đồng thời triển khai thực hiện công tác nghiên cứu khoa học điều dưỡng.

5. Nhiệm vụ

5.1. Đào tạo và giảng dạy

  • Lập kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch giảng dạy các chuyên ngành Điều dưỡng Đa khoa và Điều dưỡng Sản phụ khoa.
  • Xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo chính quy ngành Điều dưỡng Đa khoa và đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học, cao đẳng lên đại học ngành Điều dưỡng Đa khoa và Điều dưỡng Sản phụ khoa.
  • Cụ thể hóa mục tiêu, chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo của nhà trường cho từng chuyên ngành trong khoa. Quản lý chất lượng đào tạo và chuẩn đầu ra cho sinh viên trong từng giai đoạn từ khi nhập học đến khi ra trường.
  • Quản lý, lưu trữ kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên.
  • Tổ chức nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập - hiện đang áp dụng phương pháp dạy và học tích cực; đề xuất xây dựng kế hoạch bổ sung, mua sắm và bảo trì thiết bị dạy- học, thực hành.
  • Tổ chức biên soạn khung chương trình, đề cương chi tiết, giáo trình môn học.
  • Triển khai nhiều hoạt động ngoại khóa nhằm giúp sinh viên hiểu biết thêm thực tế và nắm được các kỹ năng cần thiết sau khi ra trường như thực tế lâm sàng tại các bệnh viện, sinh hoạt câu lạc bộ, hoạt động tình nguyện...

5.2. Nghiên cứu khoa học

  • Thông báo và triển khai thực hiện các thông tư, qui định của Bộ Y tế và các cơ quan quản lý nhà nước khác.
  • Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học của Khoa.
  • Triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp theo quy định của nhà trường.

5.3. Quản lý và phát triển nguồn nhân lực

  • Quản lý giảng viên, cán bộ và sinh viên thuộc khoa theo phân cấp của Hiệu trưởng.
  • Tham gia vào công tác tuyển dụng nhân sự cho khoa, đảm bảo nhân sự được tuyển dụng phù hợp với yêu cầu của Khoa.
  • Lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, phát triển đội ngũ giảng viên kế cận.
  • Phối hợp đánh giá công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học của giảng viên nhằm đảm bảo chất lượng đội ngũ giảng dạy.
  • Tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ giảng viên, cán bộ và sinh viên; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên và cán bộ của Khoa.
  • Quản lý cơ sở vật chất, thiết bị của Khoa.
  • Quan hệ với các đơn vị và cá nhân ngoài Trường theo đúng quy định hiện hành của pháp luật nhằm phục vụ thực hiện các chức năng nhiệm vụ của Khoa.

5.4. Hợp tác quốc tế

  • Hợp tác với các trường đại học của các nước trên thế giới và trong khu vực như Úc, Nhật Bản, Mỹ, Thụy Điển, Đài Loan, Thái Lan trong lĩnh vực trao đổi sinh viên, giảng viên, mời các chuyên gia điều dưỡng đến làm việc tại khoa để huấn luyện và đào tạo đội ngũ giảng viên trẻ trong khoa.
  • Thực hiện các chương trình đào tạo chuyển tiếp lên các bậc cao hơn cho sinh viên, giảng viên của khoa tại các trường đại học ở nước ngoài

6. Định hướng phát triển

  • Từng bước đổi mới và xây dựng chương trình đào tạo các chuyên ngành sâu của điều dưỡng như điều dưỡng phúc lợi xã hội, điều dưỡng cấp cứu, chăm sóc sức khỏe bà mẹ tại cộng đồng... để đáp ứng với nhu cầu của xã hội, phù hợp với chương trình đào tạo các nước trong khu vực.
  • Hoàn thiện và cải tiến không ngừng hệ thống giáo trình, bài tập và các tài liệu học tập điện tử cho sinh viên chuyên ngành Điều dưỡng.
  • Cải thiện phương pháp lượng giá thực hành lâm sàng đảm bảo đánh giá chính xác, công bằng theo chuẩn năng lực cơ bản điều dưỡng về kỹ năng thực hành của sinh viên trong các học phần thực hành tại bệnh viện.
  • Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng trong lĩnh vực Y học nói chung và Điều dưỡng nói riêng.
  • Phát triển đội ngũ giảng viên cả về chất lượng và số lượng, gửi các giảng viên trẻ đi đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ chuyên ngành điều dưỡng ở các trường đại học trong và ngoài nước, tăng cường trao đổi giảng viên với các trường đại học ở nước ngoài để nâng cao năng lực và chân dung giảng viên.
  • Từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, đặc biệt các phòng thực hành y học cơ sở, thực hành tiền lâm sàng tại trường đảm bảo đáp ứng tốt với nhu cầu đào tạo của chuyên ngành.
  • Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới trong việc đào tạo cán bộ giảng viên, trao đổi sinh viên. Xây dựng các chương trình đào tạo chuyển tiếp và liên kết cho các bậc hệ đào tạo của khoa.